“Nóng” không thua kém nhiệt độ Sài Gòn hiện nay là cuộc chạy đua làm sao để tuyển dụng được nguồn nhân lực chất lượng cao. Xu thế hội nhập toàn cầu buộc các nhà tuyển dụng phải chủ động “lột xác” trên con đường tìm kiếm ứng viên tiềm năng cho riêng mình.
Hiện nay, không chỉ nhà tuyển dụng mà ứng viên cũng ngày một “kiêu” hơn trong quá trình đi tìm công việc phù hợp. Họ không chỉ đơn thuần tìm việc dựa vào mức thu nhập hàng tháng mà sự thăng tiến, khả năng được cống hiến, được lắng nghe, được tôn trọng trong môi trường tập thể cũng là những yếu tố cân nhắc lựa chọn công ty của họ.
Là một nhà tuyển dụng, để “đánh đâu trúng đó”, để chạm đúng vào điểm cần chạm của ứng viên, các bạn cần trau dồi kỹ năng nghiệp vụ mỗi ngày. Nếu bạn là một nhân sự, một nhà tuyển dụng hay một thợ săn chất xám, dưới đây là những gì mà bạn cần trang bị cho mình để săn được ứng viên chất lượng.
Thứ nhất, đó là thành thạo mạng xã hội. Trong vòng 3 năm trở lại đây, sự bùng nổ của mạng xã hội khiến nền tảng này trở thành “vùng đất màu mỡ” dành cho các nhà tuyển dụng “đi săn”. Đa phần người dùng mạng xã hội là thế hệ trẻ, trong đó Gen Z - nguồn lao động chủ lực chiếm phần lớn, là cơ hội để nhà tuyển dụng chiêu mộ nhân lực trẻ, sáng tạo và tiềm năng. Tuy nhiên, mạng xã hội cũng là con dao hai lưỡi, người tìm việc cũng nhiều nhưng kẻ quấy phá cũng không ít, người thật tìm việc thật vẫn có và tài khoản ảo đi xin việc cũng đầy rẫy. Do đó, nhà tuyển dụng cần có một “thị lực” tốt để dò ra được ứng viên tiềm năng.
Nhà tuyển dụng cần có một tư duy nhạy bén. Bạn cần phải tìm hiểu xu hướng thị trường việc làm hiện nay, ngành nghề nào đang hot, lĩnh vực nào có cơ hội việc làm rộng mở và đặc biệt là nắm bắt tâm lý ứng viên. Với những ứng viên trẻ tuổi, bạn nên chú trọng vào những kiến thức, kinh nghiệm mà họ có thể được học trong quá trình làm việc. Đối với những ứng viên đã đi làm được nhiều năm, lúc này họ đã có cho mình kha khá kiến thức, biết tự trau dồi bản thân nên việc áp dụng công thức vừa rồi sẽ không hiệu quả. Vậy nên, bạn cần đánh mạnh vào cơ hội thăng tiến hay vạch ra lộ trình thăng tiến một cách rõ ràng cho họ ở những vị trí cao hơn để thuyết phục được họ đồng hành cùng tổ chức của bạn.
Một kỹ năng nữa mà nhà tuyển dụng cần có, đó là kỹ năng giao tiếp. Đôi khi có những ứng viên có nhiều khúc mắc, chẳng hạn như chưa hiểu rõ công việc, chưa nắm được chính sách của công ty hay không hiểu về luật lao động… nhà tuyển dụng sẽ chịu trách nhiệm giải thích và trả lời những thắc mắc của ứng viên sao cho họ dễ hiểu nhất. Trong vài trường hợp, nhà tuyển dụng còn đóng vai trò cầu nối giữa ứng viên và cấp trên để vừa tạo cơ hội việc làm vừa giúp công ty có thêm nhân lực nếu chẳng may ứng viên đó thiếu một xíu kỹ năng nào đó trong JD.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, đó là nhà tuyển dụng cần am hiểu môi trường làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Với những ứng viên là những “tấm chiếu mới” chưa từng trải như sinh viên mới tốt nghiệp, các đối tượng này thường hay bỡ ngỡ, dè chừng với tất cả môi trường làm việc. Do đó, nhà tuyển dụng cần nắm rõ tính chất ngành nghề, loại công việc giúp bạn có thể dễ dàng “đi guốc trong bụng” ứng viên. Ngoài ra, chúng sẽ góp phần giúp bạn giải tỏa được những nỗi lo lắng, thắc mắc và trấn an những ứng viên trẻ tuổi.
Để trở thành một nhà tuyển dụng có tầm nhìn tốt quả thực rất khó. Bên cạnh việc hiểu rõ thị trường, đòi hỏi bạn còn phải hiểu rõ cả về con người cùng những tâm tư, tình cảm của họ để chạm đúng “điểm chạm”. Bỏ túi ngay những kỹ năng nói trên sẽ giúp bạn ngày càng hoàn thiện hơn trên con đường trở thành một nhà tuyển dụng uy tín và tài giỏi. Chúc các bạn thành công!