Tại sao doanh nghiệp mãi không tuyển được nhân viên?
Đăng ngày 06/06/2022 BỞI VIETSTAR

Thị trường việc làm đang ngày một “nóng” và trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Sau làn sóng đại dịch năm 2021, nhu cầu “nhảy” việc để tìm được cơ hội nghề nghiệp tốt hơn của người lao động ngày càng tăng cao. Công ty bạn lên kế hoạch đăng tin tuyển dụng từ đầu tháng nhưng đến cuối tháng vẫn không thấy CV nào ứng tuyển, tìm mãi chẳng thấy ứng viên nào apply. Nguyên nhân là do đâu?

 

Có rất nhiều khía cạnh tác động đến công tác tuyển dụng của doanh nghiệp. Ở đây, chúng ta sẽ bàn đến khía cạnh “hữu hình” mà ứng viên sẽ nhìn thấy đầu tiên khi ra quyết định apply vào một vị trí công việc. Đó chính là Job Description hay gọi tắt là JD - Bản mô tả công việc. 

 

Đầu tiên đó là không đề cao khả năng thăng tiến/định hướng phát triển cho nhân viên. Lao động trẻ hay lao động thế hệ Gen Z đang là nguồn nhân lực dồi dào nhất hiện nay. Họ đang chiếm phần lớn về số lượng trong mỗi doanh nghiệp. Tính đến năm 2025, Gen Z sẽ chiếm 30% trong tổng số lao động ở thị trường Việt Nam. Mong muốn lớn nhất của các bạn là được học hỏi, trau dồi kiến thức và tích lũy kinh nghiệm. Do đó, một công việc có lộ trình thăng tiến rõ ràng, đề cao sự phát triển, có nhiều cơ hội cống hiến sẽ chiếm được ưu thế cao hơn. 

 

Tiếp theo, phúc lợi không tương xứng với yêu cầu/mô tả công việc. Một công việc yêu cầu 2 năm kinh nghiệm, thành thạo tin học văn phòng, có khả năng sử dụng tốt phần mềm AI/ Photoshop là một điểm cộng sẽ không thể nào đi đôi với mức lương 7 triệu đồng. Doanh nghiệp phải offer mức lương tương xứng với vị trí công việc hoặc trong trường hợp bạn chỉ là một công ty nhỏ, một startup chưa có nhiều kinh nghiệm trên thương trường thì không nên đòi hỏi quá nhiều từ ứng viên lúc ban đầu. 

 

Nguyên nhân tiếp theo đến từ quy trình/chính sách công ty không minh bạch. Mập mờ, không cụ thể, không rõ ràng trong việc chấm công, tính lương thưởng, KPI, chế độ bảo hiểm… sẽ khiến ứng viên sớm “cao bay xa chạy”. Chẳng có một ứng viên nào muốn làm việc ở một nơi mà tất cả mọi thứ đều mơ hồ, không thực hoặc có phần hơi “ảo”. Họ cũng sẽ không thích những lời hứa sáo rỗng hay còn gọi là lời hứa gió bay. Sự rõ ràng, minh bạch trong quy trình làm việc sẽ là tiền đề tạo sự tin tưởng và gắn kết giữa ứng viên với doanh nghiệp ngay từ lần đầu gặp mặt. Hãy nhớ rằng, càng rõ ràng bao nhiêu, khả năng ứng viên đồng hành cùng bạn sẽ cao bấy nhiêu. 

 

Văn hóa công ty không phù hợp. Theo lẽ bình thường, ứng viên phải là người cần nhanh chóng hội nhập, thích nghi với môi trường làm việc của công ty. Tuy nhiên, một mối quan hệ win - win bao giờ cũng sẽ đồng hành với nhau được lâu dài hơn. Vì vậy, không chỉ các “lính mới” mà doanh nghiệp cũng nên cố gắng tạo không gian cởi mở, xây dựng sự hòa đồng giữa các nhân viên nhằm giúp các ứng viên sớm thích nghi với công việc. Các doanh nghiệp có biết rằng, văn hóa công ty được các ứng viên xem là một trong những tiêu chí quan trọng khi quyết định chọn nơi làm việc chỉ sau mức lương và cơ hội thăng tiến không? Ngoài ra, nó còn là yếu tố góp phần  giữ chân người lao động, giúp công ty bạn tránh hụt mất nhân tài. 

 

Nguyên nhân cuối cùng đó là những tin đồn ác ý liên quan đến công ty. Trước khi apply và chấp nhận lời mời phỏng vấn, hầu hết các ứng viên đều sẽ tìm kiếm thông tin liên quan đến doanh nghiệp/tổ chức mình sắp làm việc cho. Tuy nhiên, nếu thấy có quá nhiều thông tin không tốt về công ty, ứng viên sẽ lo lắng, họ bị dao động, do dự, chùn bước thậm chí là hủy bỏ buổi phỏng vấn vì không muốn vướng vào những rắc rối không đáng có. Vì vậy, bạn cần cố gắng xây dựng hình ảnh một doanh nghiệp “sạch” hoặc hạn chế tối đa những sự việc xấu có thể gây ảnh hưởng đến “bộ mặt thương hiệu” của công ty. Với những kẻ thích quấy phá, tung những thông tin sai lệch, có phần bôi nhọ danh dự doanh nghiệp, bạn hoàn toàn có thể nhờ cậy đến các lực lượng chức năng để hỗ trợ giải quyết. 

 

Trên đây là tổng hợp những lý do khiến công tác tuyển dụng của doanh nghiệp bị trì trệ. Hãy nhìn nhận và đưa ra phương thức giải quyết từng vấn đề, quá trình chiêu mộ nhân tài đến với tổ chức của bạn sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Chúc các bạn thành công!