Tuyển dụng là một khâu hết sức quan trọng giúp đáp ứng nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp. Một quy trình tuyển dụng hiệu quả sẽ là cơ sở tạo nên đội ngũ nhân sự vững mạnh và tạo nền tảng cho doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ nhất.
Vậy tuyển dụng nhân sự là gì?
Tuyển dụng nhân sự ở một doanh nghiệp là quy trình tuyển mộ và tuyển chọn người có năng lực, kỹ năng phù hợp nhất với vị trí công việc của doanh nghiệp. Hay nói cách khác, đây là quy trình để tìm kiếm, thu hút và tuyển được người có năng lực phù hợp và tình nguyện ứng tuyển cho công việc trong doanh nghiệp.
Tuyển dụng nhân sự đóng vai trò giúp tìm được những người có khả năng thực hiện công việc một cách xuất sắc nhất, nhờ đó việc vận hành của công ty sẽ diễn ra trôi chảy, tránh quá tải công việc và làm cơ sở phát triển doanh nghiệp lớn mạnh.
Quy trình tuyển dụng nhân sự
Trước khi tìm hiểu cách để tuyển được nhân sự hiệu quả nhất, hay biết cách để tìm được ứng viên tốt cho tuyển dụng thì điều đầu tiên và cơ bản nhất một nhà tuyển dụng của mọi doanh nghiệp cần phải biết đó chính là quy trình chính xác để tuyển dụng nhân sự.
Một quy trình tuyển dụng chuẩn xác được chia thành 10 bước chính:
1. Chuẩn bị tuyển dụng
Trong bước đầu tiên của quy trình tuyển dụng, bộ phận nhân sự sẽ cần phải xác định nhu cầu tuyển dụng của mình, xác định đúng số lượng cần thiết để đảm đương tốt khối lượng công việc cần làm.
Tiếp theo đó, cần phải xác định yêu cầu, tiêu chí cho mỗi một vị trí công việc muốn tuyển, đảm bảo xác định đủ những tiêu chuẩn về kiến thức chuyên môn, kỹ năng, kinh nghiệm trong công việc và những tố chất cần thiết cần có ở ứng viên để tuyển dụng được chính xác nhất.
Sau đó, doanh nghiệp cần xây dựng chân dung ứng viên cụ thể, xây dựng đơn dự tuyển và thành lập hội đồng tuyển dụng.
Việc cuối cùng của bước chuẩn bị là chuẩn bị những giấy tờ, văn bản tuyển dụng liên quan.
2. Tìm kiếm và thu hút ứng viên
Để có thể bắt đầu tuyển dụng, một điều vô cùng cần thiết là doanh nghiệp phải xác định được nguồn muốn tuyển. Nguồn tuyển dụng ở đây chia làm hai loại, nguồn tuyển dụng bên trong doanh nghiệp và nguồn bên ngoài doanh nghiệp.
Để biết được nên chọn nguồn tuyển dụng nào, doanh nhiệp nên căn cứ vào đặc điểm công việc cần tuyển và sự sẵn có của nhân lực trong, ngoài doanh nghiệp cũng như chi phí khi lựa chọn nguồn tuyển đó.
Khi đã xác định nguồn tìm kiếm ứng viên, việc tiếp theo doanh nghiệp phải quyết định là hình thức thu hút ứng viên. Có những hình thức thu hút ứng viên dưới đây để doanh nghiệp tham khảo:
Sử dụng đơn vị trung gian cung cấp ứng viên: trên thị trường hiện nay đã có khá nhiều những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tìm kiếm và cung cấp ứng viên cho doanh nghiệp, đây là một cách nhanh chóng, hiệu quả và tiết kiệm cho doanh nghiệp để đơn giản hóa việc tuyển dụng của mình.
Sử dụng quảng cáo
Tuyển sinh viên tốt nghiệp đại học
Trung tâm môi giới việc làm
Hội trợ việc làm
Thuê chuyên gia tuyển mộ
Sinh viên thực tập
Nhờ nhân viên giới thiệu
Tự đăng tin tuyển dụng trên các trang thông tin của công ty
3. Tiếp nhận và sàng lọc hồ sơ ứng viên
Sau khi tiếp nhận hồ sơ ứng viên, cần xem xét kỹ những tiêu chí tuyển dụng đã đề ra để chọn lọc những hồ sơ phù hợp nhất. Trong quá trình chọn lọc nên ưu tiên cho những hồ sơ đáp ứng được những tiêu chí tuyển dụng quan trọng nhất, có thể có những hồ sơ đáp ứng được nhiều tiêu chí doanh nghiệp đề ra, nhưng đó lại chỉ là những tiêu chí phụ, không phải năng lực cốt yếu thì những hồ sơ đó vẫn không phải hồ sơ mạnh.
4. Sơ tuyển
Việc sơ tuyển sẽ giúp loại bỏ được những ứng viên không đáp ứng được những yêu cầu cơ bản của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể sử dụng những hình thức sơ tuyển như sau: kiểm tra, trắc nghiệm, phỏng vấn sơ bộ,…
5. Phỏng vấn
Phỏng vấn là khâu quyết định trong việc tuyển dụng. Đây là lúc để công ty đánh giá chính xác nhất năng lực và độ phù hợp của ứng viên với công ty. Bên cạnh đó, quá trình phỏng vấn còn giúp nhà tuyển dụng xem xét xem ứng viên có hợp với văn hóa công ty không và thỏa thuận thêm những điều kiện công việc với ứng viên.
6. Xác minh, điều tra thêm thông tin
Đây là bước giúp doanh nghiệp làm rõ thêm thông tin cần biết của những ứng viên sáng giá.
7. Đánh giá và ra quyết định tuyển dụng
Để đưa ra quyết định cuối cùng, ban tuyển dụng cần tổng hợp lại tất cả kết quả từ các bài kiểm tra, phỏng vấn cũng như những thông tin thu thập được sau phỏng vấn. Sau đó, đối chiếu kỹ lại với những yêu cầu tuyển dụng đã đề ra để đưa ra quyết định cuối cùng đúng nhất.
8. Tiếp nhận nhân viên mới
Ở bước này, doanh nghiệp sẽ phải hướng dẫn cho nhân viên mới làm quen với công việc, sao cho nhân viên này bắt kịp tiến độ công việc nhanh nhất và nhanh chóng bắt đầu làm việc chính thức.
9. Theo dõi quá trình thử việc
Kể cả khi nhân viên đã qua quá trình phỏng vấn, vẫn cần theo dõi thêm trong thời gian thử việc để đảm bảo nhân viên thực sự phù hợp với công việc. Đây chính là bước đánh giá cuối cùng mà nhà tuyển dụng cần làm để đảm bảo nhân viên đó thực sự là mảnh ghép còn thiếu của công ty.
10. Ra quyết định tuyển dụng chính thức
Sau tất cả những khâu chọn lọc và đánh giá trên, cuối cùng, sau khi chắc chắn về chất lượng và độ phù hợp của ứng viên, công ty ra quyết định chính thức tuyển dụng nhân viên đó, kết thúc quá trình tuyển dụng của doanh nghiệp.
Để quá trình tuyển dụng được hiệu quả nhất, các doanh nghiệp cần phải có sự đánh giá kết quả tuyển dụng chính xác và thường xuyên nhất. Bên cạnh đó, cũng cần có sự nhạy bén và linh hoạt để khai thác và nắm bắt tốt khả năng thực sự của ứng viên, tránh bỏ qua nhân tài hay tuyển nhầm ứng viên.