Khi đi đến quyết định tuyển dụng, doanh nghiệp thường phân vân giữa hai loại nguồn tuyển dụng, nguồn tuyển dụng bên trong hay nguồn tuyển dụng bên ngoài doanh nghiệp. Để có được câu trả lời đúng đắn nhất cho thắc mắc trên, các tuyển dụng viên trong doanh nghiệp cần biết rõ về hai loại nguồn tuyển dụng này cùng những ưu, nhược điểm của từng loại nguồn tuyển dụng để đưa ra lựa chọn chính xác nhất.
1. Nguồn tuyển dụng bên trong doanh nghiệp là gì?
Nguồn tuyển dụng bên trong doanh nghiệp là chính là những nhân viên của doanh nghiệp, có đủ trình độ, khả năng ứng tuyển cho các vị trí tuyển dụng của doanh nghiệp.
Ưu điểm
Vì đây là những nhân viên của công ty nên đã có thời gian gắn bó với công ty, quen với đặc điểm công việc, văn hóa và môi trường làm việc của công ty, vì vậy, những nhân viên này không mất nhiều thời gian thích ứng với vị trí công việc mới và ít tốn kém chi phí đào tạo hơn.
Vì đã có thời gian gắn bó với công ty nên lòng trung thành của những nhân viên này với công ty đã được bồi đắp, vì vậy tỉ lệ bỏ việc của họ rất thấp. Bên cạnh đó, công ty cũng đã biết rõ về năng lực và thái độ của những nhân viên này nên ít gặp rủi ro trong chất lượng của nhân viên tuyển dụng bằng hình thức này.
Một ưu điểm đặc biệt của việc sử dụng nguồn tuyển dụng này là sẽ tạo nên sự thi đua trong nhân viên của công ty. Khi daonh nghiệp thông báo tuyển dụng trong nội bộ, nếu có nhiều ứng cử viên tiềm năng trong công ty, những ứng viên này sẽ cố hết sức mình để thi đua làm việc với nhau, cố gắng để có được thành tích tốt hơn người kia để có được ưu thế ứng tuyển vào vị trí họ mong muốn.
Nhược điểm
Bên cạnh những lợi thế trên, việc tuyển dụng nhân viên bên trong công ty cũng có những tác hại mà công ty cần phải quan tâm cân nhắc trước khi lựa chọn sử dụng.
Thiếu khách quan, công bằng
Rõ ràng việc tuyển ứng viên ở bên trong doanh nghiệp sẽ bị rất nhiều yếu tố chủ quan nội bộ ảnh hưởng. Ví dụ như khi tuyển một vị trí cấp cao trong công ty, nếu muốn chọn một nhân viên để xét tuyển cho vị trí này, thay vì chỉ nhìn vào năng lực để tuyển chọn, thì những người có thâm niên, nhiều năm cống hiến cho công ty có thể sẽ được ưu tiên xét tuyển hơn, kể cả khi năng lực của họ không bằng những người trẻ.
Bên cạnh đó, khi tiến hành tuyển dụng trong nội bộ, những người có quan hệ tốt hơn với cấp trên hay những người có quan điểm, hướng làm việc giống với mong muốn của những người có quyền đánh giá kết quả tuyển dụng có thể sẽ được cân nhắc hơn, những điều trên sẽ làm cho việc dùng nguồn tuyển nội bộ thiếu công bằng, bỏ qua những ứng viên tốt thực sự.
Một điều nữa khiến việc dùng nhân viên nội bộ không phải lựa chọn đúng đắn là đối với trường hợp công ty cần phải đổi mới tư duy, cải cách hoạt động. Bởi lẽ những nhân viên cũ trong công ty lối tư duy vốn đã đi vào lối mòn, cách làm việc và tư tưởng đã bị đồng hóa giống với môi trường trong công ty nên khó có khả năng có thể đưa ra những sáng kiến mới hay giúp công ty cải tiến, cải cách tốt hơn.
Đối với những nhóm ứng viên không được chọn ứng tuyển lên vị trí mới, có thể sẽ hình thành tư tưởng không phục, từ đó không chịu hợp tác làm việc với người mới được lên chức, chống đối, gây chia rẽ nội bộ.
Lượng ứng viên ứng tuyển bị hạn chế.
2. Nguồn tuyển dụng bên ngoài doanh nghiệp
Những ứng viên từ nguồn tuyển dụng này có thể đến từ:
Ứng viên ứng tuyển từ bên ngoài doanh nghiệp
Trường đại học, trường cao đẳng, trung cấp,…
Các đơn vị cung cấp dịch vụ tuyển dụng, cung cấp ứng viên
Ưu điểm
Nguồn tuyển dụng này có những ưu điểm so với nguồn tuyển dụng trên như
Những ứng viên tuyển từ nguồn bên ngoài sẽ có những tư tưởng mới, mang lại sự cải tiến cho công ty.
Việc tuyển dụng ứng viên từ bên ngoài có thể dễ dàng hơn, rẻ hơn và công bằng hơn.
Nguồn ứng viên bên ngoài nhiều và phong phú hơn, doanh nghiệp có nhiều sự lựa chọn trong ứng viên tuyển chọn và hình thức tuyển chọn ứng viên.
Nhược điểm
Nhược điểm của nguồn tuyển dụng này thường bắt nguồn từ cả những yếu tố về bản thân doanh nghiệp lẫn thị trường ứng viên và môi trường bên ngoài.
Bản thân doanh nghiệp hay công việc không hấp dẫn. Việc những chính sách đãi ngộ hay môi trường làm việc của doanh nghiệp không tốt hay phù hợp với nhân viên được tuyển vào có thể khiến cho những ứng viên tuyển dụng từ nguồn tuyển bên ngoài nhanh chóng thôi việc hay làm việc kém hiệu quả. Mặt khác, những điều trên tuy đã tốt nhưng chính công việc của ứng viên làm không đủ hấp dẫn cũng sẽ dẫn đến trường hợp tương tự như trên.
Khả năng tài chính của doanh nghiệp có thể không đáp ứng nổi chi phí tuyển dụng ứng viên bên ngoài. Thường trong những trường hợp này, doanh nghiệp thường tìm các biện pháp giải quyết giúp giảm chi phí tuyển dụng như sử dụng các dịch vụ tuyển dụng giá hợp lý từ bên ngoài hay nhờ nhân viên công ty giới thiệu, tuyên truyền.
Những chính sách quy định trong tuyển dụng lao động của nhà nước cũng khiến nhiều công ty cảm thấy khó khăn trong việc đáp ứng.
Phải mất thời gian, công sức, tiền bạc để đào tạo thêm cho những nhân viên tuyển từ nguồn bên ngoài công ty.
Một nhược điểm cần chú ý của hình thức tuyển ứng viên từ bên ngoài đó là phải cảnh giác khi tuyển ứng viên từng là nhân viên của các đối thủ cạnh tranh để tránh làm lộ bí quyết, phương pháp kinh doanh.
Cuối cùng, một nhược điểm rất thường thấy của việc tuyển mộ nhân viên từ bên ngoài doanh nghiệp đó là những ứng viên mới tuyển vào, qua thời gian thử việc mới phát hiện không phù hợp với công việc, dẫn đến phải tuyển dụng lại từ đầu.
Mỗi một nguồn tuyển dụng trên đều có những đặc điểm điểm riêng. Tùy vào đặc điểm tuyển dụng của doanh nghiệp như vị trí tuyển dụng, số lượng hay chi phí tuyển dụng mà công ty nên lựa chọn nguồn tuyển phù hợp nhất với mình. Bên cạnh đó, việc nắm rõ những ưu, nhược điểm của từng nguồn tuyển dụng mà doanh nghiệp có thẻ tận dụng những thế mạnh hay có những biện pháp khắc phục riêng để tuyển dụng hiệu quả nhất.